Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1-11-2020 sẽ chấm dứt việc sử dụng hóa đơn giấy, các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ đều chuyển sang dùng hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước. Điều này được cho là mang lại lợi ích kép cho nhiều bên khi hóa đơn điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho các doanh nghiệp...
|
Việc sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong ảnh: Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp về hóa đơn điện tử. Ảnh: TTXVN |
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc triển khai hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế là xu thế tất yếu, mang lợi ích cho cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, đây cũng được coi là một trong những giải pháp cụ thể để Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử. Ông Nguyễn Văn Hổ, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm triển khai mở rộng hóa đơn điện tử như tập huấn cho các doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của hóa đơn điện tử. Với nền tảng 98,4% doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện kê khai thuế qua mạng và 95,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, Hà Nội đã có những tiền đề quan trọng để đưa hóa đơn điện tử vào thực tế. Cùng với đó, Cục Thuế cũng đã lựa chọn các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; đồng thời đánh giá một số nhà cung cấp giải pháp để lựa chọn phương án hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp.
Theo tính toán của bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA - nhà cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử E-Invoice, thông thường khi xuất một hóa đơn giấy, doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí khoảng 18.000 đồng, gồm phí chuyển phát nhanh, phí in ấn, phí nhân công, phí lưu trữ, bảo quản…. Thế nhưng, khi sử dụng hóa đơn điện tử, những chi phí này gần như không đáng kể do toàn bộ thao tác được thực hiện trên phần mềm. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp phải xuất khoảng 60.000 hóa đơn giấy/năm, cần phải chuyển phát qua đường bưu điện sẽ tiêu tốn 1,08 tỷ đồng, nhưng với hóa đơn điện tử, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được toàn bộ khoản kinh phí trên.
Đánh giá về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử, Phó Giám đốc Ban Khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT VinaPhone - nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử của VNPT (VNPT - Invoice) Phó Đình Thụ cho rằng, khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp sẽ giảm 70% quy trình phát hành, 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn...
Đồng tình với đánh giá này, bà Nguyễn Thị Thủy, Kế toán Công ty Điện lực Thanh Trì cho biết, khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế do phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng hóa đơn điện tử sử dụng. Đây là nội dung khác biệt so với việc sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, thay cho việc doanh nghiệp phải gửi mẫu hóa đơn và hằng quý phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế. Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp doanh nghiệp giảm thời gian lập tờ khai thuế giá trị gia tăng vì phần mềm tạo hóa đơn tự động kết chuyển số liệu vào tờ khai thuế giá trị gia tăng.
|
Cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp khai hóa đơn điện tử. |
Khắc phục tình trạng gian lận, trốn thuế
Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; từ đó có thể phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro. Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc chia sẻ, hiện nay khi thanh tra, cơ quan thuế và cơ quan khác của nhà nước đều thực hiện đối chiếu hóa đơn, đây là công việc bắt buộc.
Tuy nhiên, khi sử dụng hóa đơn điện tử, thông tin về hóa đơn của doanh nghiệp được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục, nên cơ quan thuế có ngay thông tin về doanh thu, chi phí hằng ngày và kịp thời phát hiện những bất thường khi doanh nghiệp xuất hóa đơn. Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Làm rõ hơn quy định về việc sử dụng hóa đơn điện tử, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (ngày 12-9-2018) của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử, khi bán mọi loại hàng hóa, cung cấp dịch vụ, từ ngày 1-11-2020, người bán hàng hóa, dịch vụ phải xuất hóa đơn có hiệu lực. Trong trường hợp người bán không xuất hóa đơn bán hàng, người mua phải yêu cầu được cung cấp, nếu không có thể từ chối mua hàng. Trên hóa đơn bán hàng không chỉ có thông tin người bán hàng, số điện thoại, ngày giờ bán hàng...; mà còn phải có chữ ký số của người bán. Trước khi xuất cho người mua, người bán phải truyền hóa đơn lên hệ thống điện tử của cơ quan thuế để lấy mã xác thực. Nhờ vậy, cơ quan thuế theo dõi doanh thu cũng như việc kê khai và nộp thuế của người bán hàng.
Trước băn khoăn về việc nhiều hộ kinh doanh nhỏ, nhất là ở các chợ đều không có máy tính, nên việc phát hành hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ khó khăn, ông Lưu Đức Huy khẳng định, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phối hợp với các công ty cung cấp các ứng dụng phần mềm để các hộ kinh doanh chỉ cần có điện thoại thông minh tải phần mềm rồi khởi tạo hóa đơn điện tử. Với những lợi ích như thế, hóa đơn điện tử sẽ là "chìa khóa vạn năng", có thể chống được tuyệt đối việc gian lận, trốn thuế.
Theo Hanoimoi