Kể từ thời điểm Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ có hiệu lực thi hành đến nay, thu nhập từ việc uỷ quyền quản lý bất động sản mà người được uỷ quyền có quyền chuyển nhượng hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản được coi là thu nhập chịu thuế TNCN.Đây là quy định nhằm khắc phục việc các bên giao dịch chuyển nhượng bất động sản, thay vì ký hợp đồng chuyển nhượng, lại thực hiện ký hợp đồng uỷ quyền giao dịch để không phải nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử gần đây đã ghi nhận một số quan điểm chưa thống nhất hoàn toàn với quy định nói trên.
Uỷ quyền định đoạt bất động sản dưới lăng kính pháp lý
Điển hình là Bản án sơ thẩm số 01/2020/HC-ST ngày 30/3/2020 của Toà án nhân dân quận 2, TP. HCM giữ quan điểm uỷ quyền là quyền năng dân sự không làm thay đổi quyền sở hữu tài sản, và nếu không có sự dịch chuyển sở hữu thì không thể thu 2% thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản (trang 7 Bản án). Vụ việc như sau: V và T là vợ chồng. V có sở hữu duy nhất một bất động sản là căn hộ chung cư cao cấp và đây là sở hữu riêng của V, không phải tài sản chung của vợ chồng. Do V không ở Việt Nam, nên đã uỷ quyền cho T thực hiện việc bán căn hộ, giá tính thuế là 25 tỷ đồng. Chi cục thuế miễn thuế TNCN cho V vì thuộc trường hợp miễn thuế do có tài sản duy nhất và chuyển quyền cho chồng, nhưng lại ra thông báo T phải nộp thuế TNCN là 500 triệu. Dựa vào lập luận trên, toà tuyên huỷ thông báo nộp thuế đối với T và cơ quan thuế có trách nhiệm hoàn trả 500 triệu tiền thuế đã thu.
Ở góc độ khoa học pháp lý, uỷ quyền gắn với quan hệ đại diện. Theo đó, một người sẽ nhân danh và vì lợi ích của người khác để xác lập thực hiện các giao dịch. Trong quan hệ uỷ quyền, bên uỷ quyền vẫn là bên nắm quyền đích thực và không từ bỏ việc kiểm soát các quyền của mình. Nếu một người uỷ quyền cho người khác tới mức họ không thể kiểm soát được quyền của chính mình và cũng không quan tâm tới lợi ích của mình, thì phải coi như là họ đã từ bỏ quyền của mình. Đối với bất động sản là tài sản có giá trị lớn, suy đoán pháp lý trong lý thuyết pháp luật là các bên phải luôn cân nhắc, cẩn trọng trong việc kiểm soát quyền sở hữu. Nếu ngay cả quyền định đoạt bất động sản nội dung quan trọng nhất của quyền sở hữu, mà bên uỷ quyền cũng không có ý định kiểm soát, thì phải coi như bên uỷ quyền đã dịch chuyển toàn bộ quyền sở hữu cho bên nhận uỷ quyền.
Ở góc độ pháp luật thực định, các giao dịch được thiết lập chỉ để che giấu ý định thực sự của các bên, thì phải xác định là vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Điều 124 Bộ luật Dân sự đã quy định, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo, nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực. Như vậy, nếu quan hệ uỷ quyền định đoạt được coi là một giao dịch giả tạo, nhằm che giấu cho quan hệ chuyển nhượng bất động sản thì quan hệ chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực, và do đó làm phát sinh các nghĩa vụ thuế TNCN của các bên theo quy định. Thực chất quy tắc này cũng chính là sự cụ thể hoá cho nguyên tắc bản chất quyết định hình thức vừa chính thức được quy phạm trong Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.
Cần thống nhất giữa quan điểm hành thu và xét xử
Cũng tại Bản án số 01, trang 8 có đề cập tới việc áp dụng Nghị định 165/2013/NĐ-CP và Thông tư 111/2013/TT-BTC của cơ quan thuế là không phản ánh đúng thực tế khách quan của quan hệ uỷ quyền. Từ quan điểm xét xử này, có thể thấy, phía cơ quan thuế cần có hướng dẫn để trong những vụ việc phức tạp tương tự, thì chủ động xác lập các chứng cứ phù hợp bảo vệ cho quan điểm của mình. Đối với quan hệ uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản, cơ quan thuế có thể yêu cầu các bên cung cấp các bằng chứng chứng tỏ việc chuyển nhượng bất động sản của người nhận uỷ quyền là phục vụ cho lợi ích của người uỷ quyền, ví dụ: dòng tiền từ chuyển nhượng được chuyển về người uỷ quyền, hợp đồng uỷ quyền có thời hạn cụ thể.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục ghi nhận và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật nguyên tắc đó là, trong hoàn cảnh sinh hoạt và điều kiện thể chất bình thường, việc uỷ quyền định đoạt chuyển nhượng bất động sản phải là thu nhập chịu thuế. Việc duy trì nguyên tắc này có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế các bên lợi dụng quan hệ uỷ quyền để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Mặt khác, nộp thuế là nghĩa vụ Hiến định của công dân, nên người nộp thuế có trách nhiệm phải chứng minh nếu họ thuộc những trường hợp được hưởng lợi ích thuế. Quay lại Bản án số 01 ở trên, khi cho rằng cơ quan thuế không có chứng cứ để chứng minh việc sở hữu căn hộ thực tế của ông T, thì toà đã quy trách nhiệm chứng minh một quyền lợi của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Việc quy kết như vậy là không phù hợp với nguyên tắc “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm” trong quản lý thuế.
Bên cạnh đó, để tránh các suy luận cho rằng quy định về thu thuế TNCN đối với “ uỷ quyền định đoạt” đã vô hiệu hoá chế định uỷ quyền của Bộ luật dân sự thì cơ quan thuế cũng nên kiến nghị việc bổ sung, sửa đổi quy định liên quan trong Nghị định 165/2013/NĐ-CP và Thông tư 111/2013/TT-BTC theo hướng chi tiết một số trường hợp uỷ quyền đương nhiên sẽ thuộc diện không thu thuế. Cụ thể đó là những trường hợp mà việc uỷ quyền quản lý, định đoạt bất động sản của người chủ sở hữu là tất yếu, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện đặc thù mà theo đó họ không thể tự mình thực hiện quyền sở hữu. Ví dụ: người uỷ quyền đang chấp hành án tù giam, đang ốm đau bệnh tật. Trong bản án số 01 nêu trên, yếu tố người vợ không cư trú thường xuyên tại Việt Nam có thể là một dấu hiệu để toà củng cố quan điểm về quan hệ uỷ quyền thực chất giữa bà V và ông T.
Trong dài hạn, việc quản lý thuế TNCN từ uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản cần cập nhật thêm một số hiện tượng pháp luật mới để bảo đảm sự quản lý được đồng bộ. Cụ thể là, người nhận uỷ quyền có thể là pháp nhân thay vì chỉ là cá nhân như trước đây. Điều 138 Bộ luật Dân sự quy định, cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch. Như vậy, vấn đề còn bỏ ngỏ là nếu cá nhân uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản cho pháp nhân, thì khi pháp nhân đó thực hiện việc chuyển nhượng có thể đương nhiên dẫn chiếu về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản trong Luật thuế TNDN hay không? Đồng thời nên quy định rõ hơn nội dung thu nhập chịu thuế của người nhận uỷ quyền gồm 2 loại: (1) khoản tiền thù lao nhận được từ uỷ quyền, thì người nhận uỷ quyền phải kê khai vào nguồn thu nhập từ tiền lương tiền công; (2) khoản tiền thu được khi chuyển nhượng bất động sản thì mới đưa vào nguồn thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản như quy định hiện nay./.