Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đắk Lắk đang nỗ lực đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
|
Bà con buôn Ju nghe truyền đạt thông tin về BHXH, BHYT |
Triển khai đến từng thôn buôn
Một sáng cuối tuần, gần trăm người dân buôn Ju (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tụ tập đông đủ ở nhà văn hóa cộng đồng của buôn. Hôm nay, Phòng truyền thông và phát triển đối tượng BHXH tỉnh Đắk Lắk trực tiếp truyền đạt đến bà con các nội dung liên quan chính sách BHYT, BHXH tự nguyện. Cầm tờ rơi in rõ thông tin về ý nghĩa, lợi ích tham gia BHYT, BHXH, bà H’Diêt Bkrông (66 tuổi) cười tươi: “Nghe cán bộ giảng giải, rồi đọc tờ rơi này mình thấy việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thiết thực lắm, nhất là đối với gia đình còn khó khăn như mình. Đặc biệt, có thẻ BHYT thì lúc già yếu, đau ốm đi bệnh viện đỡ tốn kém rất nhiều. Lần này, gia đình mình sẽ cố gắng mua BHYT theo diện hộ nông nghiệp có mức sống trung bình, vì được nhà nước hỗ trợ một phần”.
Cùng chung suy nghĩ như bà H’Diêt, ông Y Ni Êban (56 tuổi) cũng bày tỏ sẽ tham gia mua thẻ BHYT. Nhà ông Y Ni có 5 người nhưng chỉ làm 4 sào cà phê, hơn 1 sào lúa, thu nhập vừa đủ ăn. “Những năm trước, phần lớn bà con trong buôn được Nhà nước cấp miễn phí thẻ BHYT, nhưng giờ chỉ được hỗ trợ một phần. Gia đình mình cuộc sống còn chật vật nhưng lần này sẽ cùng nhiều hộ trong buôn mua BHYT, vì không có BHYT đến lúc bệnh tật tốn kém nhiều lắm”, ông Y Ni Êban chia sẻ...
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, cho biết những lần tổ chức công tác truyền thông đến từng thôn, buôn như ở buôn Ju này đều được bà con quan tâm tích cực. Từ đây, thông tin về quyền lợi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện lan tỏa đến từng hộ gia đình; đặc biệt nâng cao nhận thức cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tránh việc ỷ lại vào hỗ trợ hoàn toàn miễn phí của Nhà nước về BHYT như trước đây. Theo kế hoạch của Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, trong tháng 6, việc tổ chức truyền thông về BHXH, BHYT được tổ chức tại 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ea Tu; sau đó tiếp tục tổ chức ở các xã khác.
Thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp
Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người lao động trên địa bàn Đắk Lắk. Ở nhiều lĩnh vực, sản xuất bị ngưng trệ, lao động nghỉ việc, thu nhập thấp, thậm chí không có thu nhập. Điều này tác động tiêu cực đến việc tham gia đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, người lao động; ảnh hưởng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của tỉnh trong năm 2020.
Từ cuối tháng 5, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Đắk Lắk và Bưu điện tỉnh đã phối hợp tổ chức ra quân hưởng ứng Tháng vận động BHXH toàn dân - tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo ông Lê Xuân Khánh, để tăng tốc phát triển đối tượng, bù đắp khoảng thời gian gián đoạn doảnh hưởng dịch Covid-19, cần thực hiện nhóm giải pháp đồng bộ trong vận động tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, nhằm đạt kế hoạch, chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT của tỉnh. Theo đó, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền thông; đồng thời phối hợp với chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định đóng BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi của người lao động…
“Theo tôi, mặt khác cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định pháp luật về BHXH đối với các doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không quan tâm chăm lo đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động. Hệ thống đại lý BHXH, BHYT cần năng động, tích cực hơn trong công tác vận động phát triển đối tượng mới, nhưng cũng theo dõi người có thẻ BHYT đến hạn, hỗ trợ người dân tiếp tục tham gia BHYT, cũng như tham gia BHXH tự nguyện…”, ông Khánh nói.
Theo báo Thanh niên